1

Vượt qua những điều tiếng để theo đuổi ước mơ làm nhà báo

Tôi bỏ những buổi đi học thêm toán, lý, hóa, tôi lại tìm về với những quyển sách văn học và lịch sử mà mình yêu thích.
Lúc đầu bố mẹ phản đối rất gay gắt nhưng tôi vẫn nhất quyết không đi học thêm khối A nữa. Rồi cả bố và mẹ đều ủng hộ vì thương tôi và cũng vì bố mẹ thấy ước mơ trong tôi quá lớn.

Tôi bỏ những buổi đi học thêm toán, lý, hóa, tôi lại tìm về với những quyển sách văn học và lịch sử mà mình yêu thích. Lúc đầu bố mẹ phản đối rất gay gắt nhưng tôi vẫn nhất quyết không đi học thêm khối A nữa. Rồi cả bố và mẹ đều ủng hộ vì thương tôi và cũng vì bố mẹ thấy ước mơ trong tôi quá lớn.

“Bây giờ là thời buổi nào rồi còn theo học khối C, nhà văn, nhà báo, toàn mơ ước hão huyền, nhà đã nghèo thì chớ còn học khối C để chết đói à”. Đó là những câu nói của mọi người mà tôi vẫn thường được nghe khi biết tôi quyết định theo học khối C, ngành học mà bây giờ người ta ngày càng không muốn theo nữa, hoặc có muốn cũng ít người đủ dũng cảm để theo đuổi đến cùng.
Tôi là cậu bé yêu lịch sử, yêu văn học đến kỳ lạ. Từ nhỏ tôi đã rất thích đọc những sách văn học lịch sử, cứ nhìn thấy bất kỳ quyển sách nào là tôi mê tít, và bằng mọi cách phải đọc cho bằng được dù ngày đó nhà tôi rất nghèo, chẳng có tiền để mua sách, cả nhà chỉ có chiếc đài bán dẫn là có giá trị.

Vào mỗi buổi chiều, trên đài tiếng nói Việt Nam có chương trình văn nghệ thiếu nhi, dù đang làm gì tôi cũng phải mang theo để nghe. Ngày nào tôi cũng phải cố thức để nghe chương trình đọc truyện đêm khuya lúc 22h trên đài.

Tôi biết đến những tác phẩm văn học cũng từ đó, tôi yêu cậu bé Nguyên Hồng với "Những ngày thơ ấu" khổ cực nhưng đã vươn lên thành nhà văn lớn, yêu những chú bé Hấc Phin, yêu cô bé Becky có mái tóc vàng, đôi mắt xanh làm chàng Tôm Xoyơ mê mẩn.
Ngày đó ở quê tôi không có nhiều hiệu sách như bây giờ, vì thế tìm được một quyển sách để đọc rất khó. Tôi phải dành dụm tiền đi bắt cua bắt cá, đạp xe hơn 10 cây số lên huyện mới mua được quyển sách mình yêu thích.
Phóng viên tác nghiệp. Ảnh: Sohoa.net.
Lên lớp sáu, tôi được học văn cô Hoa, một cô giáo trẻ mới ra trường nhưng rất yêu thơ văn. Biết tôi ham đọc sách nên có những sách hay cô đều mang cho tôi đọc, bất kể khi đi đâu, nếu thấy có sách hay cô đều mua cho tôi. Tôi đưa cho cô đọc những bài viết ngắn của mình, cô ân cần sửa cho tôi từng chi tiết nhỏ. Năm ấy tôi đi học trong cả hai đội tuyển học sinh giỏi văn và toán nhưng môn toán tôi không được lên huyện dự thi.

Vậy là bao nhiêu quyết tâm tôi dành hết cả vào môn văn, khi biết tôi đỗ học sinh giỏi văn của huyện cô vui lắm. Cô ôm tôi vào lòng như người mẹ ôm đứa con đã làm được kỳ tích rất lớn. Nhưng khi đem tin này về nhà thì bố mẹ tôi chỉ ậm ừ cho qua chuyện, nói môn văn ấy mà, ai thi chẳng đậu.
Rồi cứ thế, những năm học cấp II tôi luôn có mặt trong đội học sinh giỏi văn, học sinh giỏi sử của trường và giành được nhiều danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Niềm đam mê với văn học và lịch sử trong tôi càng lớn dần. Ngày đó những học sinh cấp II như tôi còn chưa biết sau này mình sẽ thi vào trường đại học nào để có thể theo đuổi ước mơ của mình, nhưng ước mơ được trở thành một nhà báo trong tôi vẫn lớn dần.

Tôi không biết mình sẽ học trường đại học nào, chỉ cần biết mình sẽ cố gắng học thật giỏi để đạt được ước mơ đó thôi. Nhưng khi lên cấp III thì trớ trêu thay, vì điểm thi toán của tôi rất cao nên trường xếp tôi vào lớp chuyên Hóa. Cũng phải nói thêm rằng dù rất yêu môn văn nhưng tôi học toán vẫn luôn đứng đầu lớp.

Khi biết mình được xếp vào học lớp chuyên hóa, bố mẹ tôi vui bao nhiêu thì tôi buồn bấy nhiêu. Không phải vì tôi lo rằng mình sẽ học kém hơn các bạn bè trong lớp, điều tôi lo nhất là vào lớp này, tôi sẽ không còn được theo đuổi ước mơ làm nhà báo của mình nữa.
Cũng từ ngày lên cấp III, bố mẹ bắt đầu định hướng cho tôi theo học khối A rõ ràng hơn, bố tìm cho tôi những lớp học thêm toán, lý, hóa uy tín nhất ở trong huyện. Lúc đầu, tôi nghĩ nhà mình nghèo, mình sẽ nghe lời bố mẹ, học khối A để sau này thi vào một trường đại học mà bố mẹ mong muốn.
Vì thế dù không muốn nhưng tôi vẫn phải chóng mặt với lịch học trên lớp rồi lịch học thêm dày đặc. Tôi không còn mấy thời gian để say sưa với những quyển sách mình yêu thích nữa. Trong đầu tôi lúc nào cũng chất chứa đầy những công thức, những phương trình hóa học.
Càng ngày tôi càng chán nản việc đi học thêm bất đắc dĩ này. Có những buổi học xong, tôi chẳng còn nhớ được gì, không biết mình đã học được những gì. Trong đầu tôi lúc nào cũng chỉ là những sự kiện, những nhân vật lịch sử, những bài thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết tôi yêu thích.
Như một may mắn, lên lớp 12 tôi đã có một quyết định quan trọng trong đời, đó là khi cô giáo Hoàng Oanh và thầy Khánh Văn được phân công dạy lịch sử và văn học lớp tôi. Cô Oanh và thầy Khánh đã thổi bùng ước mơ cháy bỏng trong tôi, giúp tôi có đủ dũng cảm để quyết định sẽ chuyển sang học khối C, để theo đuổi ước mơ của mình.
Vậy là tôi bỏ những buổi đi học thêm toán, lý, hóa, tôi lại tìm về với những quyển sách văn học và lịch sử mà mình yêu thích. Lúc đầu bố mẹ phản đối rất gay gắt nhưng tôi vẫn nhất quyết không đi học thêm khối A nữa. Rồi cả bố và mẹ đều ủng hộ tôi, vì thương tôi và cũng vì bố mẹ thấy ước mơ trong tôi quá lớn.
Nhưng thực sự khó khăn cho tôi là tôi lại học ở lớp chuyên Hóa, mà tôi lại theo học khối C, một điều không chỉ các bạn trong lớp mà các thầy cô cũng rất ngạc nhiên. Nhưng những người thầy, người cô như thầy Khánh, cô Oanh đã hết lòng giúp đỡ, động viên tôi, đó là động lực để tôi vượt qua rất nhiều khó khăn khi chuyển khối học.
Một điều nữa làm tôi cũng khổ sở không kém là những điều tiếng của xóm làng, khi biết tin tôi bỏ khối A chuyển sang học khối C, rất nhiều người đã không tin. Vì thế mỗi khi ra ngoài, tôi luôn nhận được những câu hỏi không biết nên trả lời thế nào: Cháu chuyển sang học khối C làm gì cho khổ ra, bây giờ là thời đại nào rồi mà còn học khối C. Học khối C thì không cần học cũng thi đỗ ấy mà, cháu muốn làm nhà văn, nhà báo để chết đói à, nhà đã nghèo còn mơ ước hão huyền không đâu…
Tôi đã bỏ ngoài tai tất cả lời dị nghị bàn tán, chỉ nung nấu quyết tâm học để thi đỗ vào Học viện Báo chí Tuyên truyền, nuôi ước mơ làm nhà báo của mình. Mẹ tôi mỗi lần đi nghe người ta nói về thì luôn khuyên tôi rằng: “Bây giờ con quay lại học khối A vẫn còn kịp đó”, nhưng tôi vẫn quyết tâm theo đuổi ước mơ của mình.
Và kỳ thi đại học cũng đến, tôi đã thi đỗ vào ngôi trường mơ ước với số điểm rất cao, bố mẹ tôi vui lắm lắm, cô Oanh, thầy Khánh cũng vậy, nhưng đó chỉ là niềm vui trong gia đình tôi mà thôi. Làng xóm thì bàn tán xôn xao chuyện tôi thi đỗ vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền, những lời bàn ra tán vào của xóm làng làm niềm vui của gia đình tôi trở lên quá đỗi nhỏ bé. Học báo chí để chết đói à, làm nhà báo nguy hiểm lắm, ở xã mình đã có ai làm nhà báo đâu chứ, học báo chí tốn kém lắm đó.
Để thi đỗ vào ngôi trường mình mơ ước bấy lâu nay, tôi đã phải thức trắng bao nhiêu đêm, dành bao nhiêu tâm sức. Vậy mà không hiểu sao người ta vẫn kỳ thị khối C, kỳ thị nghề báo đến vậy? Nhưng tôi đã vượt qua được sự kỳ thị đó, vượt qua được những lời dị nghị của mọi người để theo đuổi niềm đam mê viết báo của mình.

Bây giờ, tôi đã là một cậu sinh viên năm thứ ba của Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Hiện tôi đã cộng tác cho một số tờ báo như Mực tím, Sóng trẻ, Vovnew, Tiền Phong Online… Những bài báo được đăng, tôi đều mang về cho bố mẹ đọc để bố mẹ có thể yên tâm và tự hào về con đường tôi đang đi, về ước mơ có thật của tôi.
Tôi biết, bây giờ là thời buổi công nghiệp, thời buổi của máy móc, của công nghệ, của kinh tế, nhưng tôi nghĩ dù trong bất cứ thời đại nào cũng không thể thiếu được văn học và lịch sử cũng như khoa học xã hội. Học văn là học cách làm người, học sử là “Ôn cố tri tân”.
Để theo học khối C và theo đuổi ước mơ nghề báo của mình, tôi đã vượt qua rất nhiều điều tiếng, thậm chí là thành kiến của mọi người. Hiện nay, cả xã hội đang lo lắng vì chất lượng những môn thi khối C quá thấp, nhất là với môn lịch sử. Nếu cứ đà này thì trong một tương lai không xa, những khối ngành xã hội không biết sẽ ra sao? Vì thế tôi mong rằng, qua câu chuyện của tôi, các bạn sẽ có đủ dũng cảm hơn để theo học khối ngành này.
“Ước mơ không thôi chưa đủ, quan trọng là phải có đủ dũng cảm để theo đuổi và biến ước mơ thành hiện thực”, đó là câu nói mà cô giáo dạy sử lớp 12 của tôi, cô giáo Hoàng Oanh đã nói, giúp tôi có đủ dũng cảm để theo đuổi ước mơ làm báo của mình.
Vũ Viết Tuân
Từ ngày 15/5 đến 15/8, các bạn trong độ tuổi 15-30 có thể tham gia cuộc thi viết "Ước mơ của tôi" do VnExpress.net, iOne.net và Trung tâm đào tạo mỹ thuật đa phương tiện FPT-Arena phối hợp tổ chức. Trong bài thi, bạn có thể kể về những ước mơ lớn lao như trở thành người nổi tiếng hoặc bình dị như đỗ đại học, có được nghề nghiệp đúng sở thích, được khám phá danh lam thắng cảnh... Bạn cũng có thể viết về hành trình để biến ước mơ thành hiện thực, quyết tâm thay đổi cuộc sống chính mình. Bài viết dài không quá 2.000 từ. Một người có thể gửi nhiều bài dự thi.








    •  






Nguồn: http://vnexpress.net
Previous
Next Post »