1

Trượt đại học giúp tôi bản lĩnh hơn trong cuộc sống

(Tạp Chí 24h) - Tôi không thể mãi như thế này, không thể để bố mẹ tiếp tục phải lo lắng cho mình, cho những điều do mình gây ra. Bằng mọi giá, tôi phải đi học để mẹ không phải buồn vì thấy tôi buồn nữa.
Ngay ngày hôm sau, tôi quyết định nộp hồ sơ vào một trường trung học chuyên nghiệp.

Tôi không thể mãi như thế này, không thể để bố mẹ tiếp tục phải lo lắng cho mình, cho những điều do mình gây ra. Bằng mọi giá, tôi phải đi học để mẹ không phải buồn vì thấy tôi buồn nữa. Ngay ngày hôm sau, tôi quyết định nộp hồ sơ vào một trường trung học chuyên nghiệp.

Tôi viết ra câu chuyện này khi tôi 28 tuổi, đã có một gia đình hạnh phúc và một vị trí nhất định trong một tập đoàn lớn. Ai nhìn vào cũng thấy tôi khá hạnh phúc và thành đạt, không một ai nghĩ rằng tôi từng lận đận trên con đường học vấn trước kia.
Từ năm lớp một tới năm lớp 12, tôi luôn là một trong số những người đứng đầu lớp, đầu trường. Tôi được đánh giá là một người thông minh, chăm chỉ, sôi nổi, nhiệt tình và có tố chất lãnh đạo. Ngay từ nhỏ, tôi đã luôn giữ vị trí lớp trưởng, liên đội trưởng, lớp phó, rồi đến bí thư.
Những năm học cấp ba, với năng khiếu Văn sẵn có, tôi liên tiếp giành giải trong các kỳ thi học sinh giỏi văn cấp tỉnh, có mặt trong đội tuyển tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Không chỉ thế, vì luôn hăng hái tham gia hoạt động Đoàn, giữ vai trò phó Bí thư đoàn trường, thường xuyên phải gặp gỡ, họp hành với cán bộ huyện đoàn, tỉnh đoàn.

Năm lớp 11 tôi vinh dự trở thành một trong bốn đại biểu thanh niên của huyện tham dự Đại hội thanh niên tiên tiến cấp tỉnh, là một trong số những đại biểu hiếm hoi được đăng trên Kỷ yếu đại hội mà có lẽ tới giờ tỉnh đoàn vẫn còn lưu giữ. Tôi có tên trong danh sách những cán bộ trẻ tham dự lớp học "cảm tình Đảng" của huyện lúc bấy giờ.
Được thầy yêu, bạn quý, tôi trở thành niềm tự hào của gia đình, của lớp và thậm chí là của cả trường. Đi đến bất cứ đâu, tôi cũng là tiêu điểm để mọi người trầm trồ thán phục. Làm việc gì cũng rất thành công. Mười tám tuổi, tôi chưa từng phải nếm trải mùi thất bại.
Tôi bước vào kỳ thi đại học với một sự tự tin và lượng kiến thức mà tôi nghĩ là đủ vững để mở tung cánh cửa đại học. Lần đầu tiên tôi hiểu ra rằng, không phải những gì mình muốn đều có thể làm được. Tôi đã trượt. Khi chị gái về báo tin, không tin vào tai mình, tôi vác xe tới cửa hàng Internet gần nhà.
Nhìn vào số điểm trên màn hình, 18 điểm, mắt tôi mờ đi, tôi cảm thấy đó thực sự là dấu chấm hết. Tôi cắn chặt môi, quyết không thể khóc ở chỗ này, nhưng không hiểu sao những giọt nước mắt vẫn tuôn. Không cần biết có ai nhìn mình hay không, cúi mặt trả tiền, tôi lên xe phóng như bay ra cánh đồng, ngồi bệt xuống vệ cỏ, khóc như chưa bao giờ được khóc.

Không thể như thế! Việc vào đại học, tôi nghĩ nó chỉ như một thủ tục phải làm thôi cơ mà. Trước đó tôi đã nghĩ nó rất dễ dàng với tôi, một con bé giỏi giang, thông minh và chăm chỉ thế này mà không đỗ thì là điều không tưởng.
Vấp ngã đầu đời giúp tôi thêm vững vàng đối mặt những thử thách sắp tới. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.
Nhưng giờ những hào quang ấy đã ở quá xa, chỉ còn tôi với hiện tại đây, một con bé ngu dốt, lười biếng nên trượt đại học. Rồi mọi người sẽ nhìn tôi bằng ánh mắt như thế nào? Tôi làm sao còn đủ can đảm để gặp lại thầy cô, bạn bè, những người luôn luôn tin tưởng tuyệt đối vào tôi như tôi từng tin tưởng vào mình?

Những dự định tương lai sẽ ra sao, những lời hứa hẹn với cậu bạn thân nơi cổng trường đại học quốc gia sẽ thế nào? Không còn dám nghĩ nữa, chỉ biết cắn chặt môi, không biết đau, mà chỉ thấy buồn. Cái cảm giác khó mà diễn tả, chỉ những ai từng trải qua cảm giác trượt đại học như tôi mới có thể hiểu hết. Tôi như một người bị ném xuống từ một vị trí rất cao, không hiểu sẽ phải đứng dậy như thế nào.

Tôi cứ ngồi như thế bên vệ cỏ mà không biết bao nhiêu giờ đồng hồ đã qua đi, ngồi mà không biết rằng hai cậu bạn thân đã ngồi cạnh mình từ lúc nào. N. và H. không nói gì, H. vỗ nhẹ vào vai tôi và nói: “Bọn mình hiểu mà. Đừng buồn quá nhé”. Hiểu ư, chúng nó mà hiểu được tôi sao? Những người đang ngất ngây trong niềm vui và hạnh phúc như chúng nó làm sao hiểu tôi được chứ?

Cái tôi trong tôi trỗi dậy, tôi đứng phắt lên: "Cảm ơn các cậu. Tớ không cần thương hại. Các cậu hãy cứ vui với thành công của mình, đừng bận tâm việc của tớ". Nói rồi, tôi lại đạp xe về nhà và đóng cửa phòng lại, không cần để ý tới cảm xúc của hai thằng bạn rất thân.
Từ cảm giác buồn, thất vọng, tôi chuyển sang trạng thái bất cần, ngỗ ngược và hay tự ái. Tôi giam mình trong nhà, hạn chế tiếp xúc với mọi người, không nhận điện thoại của bất cứ ai. Tôi không cần ai thương hại, an ủi, tôi nghĩ mình giống như một kẻ bỏ đi, không thể làm nên trò trống gì nhưng lại luôn sống trong ảo tưởng.

Mọi người trong nhà lo lắng, bố mẹ khuyên tôi nên vào nhà chú ở trong Sài Gòn chơi một thời gian cho khuây khỏa rồi qua Tết về để chuẩn bị ôn thi năm tới. Nhưng tôi cũng chẳng còn tâm trí nào để đi chơi, thời điểm này tôi cũng chưa có kế hoạch gì cho mình. Thời gian cứ thế trôi qua, tôi không nhớ đã bao nhiêu ngày mình sống trong tâm trạng ấy.
Rồi đến một hôm bà họ tôi mất, bố mẹ đi dự đám tang. Dù muốn đi, nhưng tôi sợ sẽ vô tình gặp bạn bè, thầy cô trên đường nên tôi quyết định ở nhà. Đi đám tang về, ánh mắt mẹ buồn lắm, mẹ nhìn tôi mà nước mắt đã ngân ngấn. Mẹ nói: “Mẹ đi qua trường con, hình như hôm nay trong ấy tập trung. Mẹ nhớ lại những năm trước, giờ này con cũng đang ríu rít với các bạn, còn năm nay con lại phải ở nhà”.
Nghe tới đây, tim tôi thắt lại. Mẹ tôi, một người nông dân chân chất, mẹ rất thương tôi, tôi hiểu được nỗi lòng của mẹ. Không hiểu sao nghe tới đây, tôi không còn cảm thấy suy sụp như trước. Tôi không thể mãi như thế này, không thể để bố mẹ tiếp tục phải lo lắng cho mình, cho những điều do mình gây ra. Bằng mọi giá, tôi phải đi học để mẹ không phải buồn vì thấy tôi buồn nữa.
Ngay ngày hôm sau, tôi quyết định nộp hồ sơ vào một trường trung học chuyên nghiệp. Tôi sẽ đi học, bất chấp sự phản đối của mọi người rằng trường đó không hợp với tôi, rằng tôi nên ôn tiếp một năm để sang năm thi vào đại học, nhưng không ai ngăn cản được tôi.
Cũng từ giây phút ấy, tôi không còn nghĩ mình là một kẻ bất tài vô dụng nữa. Dù trượt đại học, nhưng đó đâu phải dấu chấm hết của cuộc đời. Ngày tiễn tôi ra bến xe lên Hà Nội, mẹ lại khóc vì mẹ thương con gái chưa bao giờ sống xa gia đình, mẹ thương con gái mẹ không đạt được ước mơ mà nó ấp ủ suốt 12 năm học, mẹ thương con gái mẹ phải thua kém bạn bè.

Tôi cũng khóc, khóc vì mình không thể làm bố mẹ tự hào như trước, khóc vì mình luôn làm bố mẹ phải lo lắng cho tôi. Nhưng cũng từ lúc đó, trong tôi bùng cháy một ước muốn, không phải ước muốn vào đại học nữa mà bên cạnh đó là ước muốn học lấy một cái nghề để có thể kiếm tiền tự trang trải cho mình trong những năm đại học, để bố mẹ không phải lo toan.
Ngành nghề mà tôi lựa chọn là du lịch, trong đó tôi được học cả nấu ăn, pha chế, kỹ thuật phục vụ bàn, lễ tân… Suốt một năm học tại trường, không giống như những người coi đó như một điểm dừng chân chờ kỳ thi đại học tới, tôi học một cách thực sự. Tôi liên tiếp giành học bổng của cả hai kỳ, tối về nhà, tôi vẫn miệt mài ôn thi.
Khóa học của tôi chỉ là một khóa học nghề, thời gian kéo dài một năm học. Tôi không đăng ký học hệ trung học 2 năm vì chỉ muốn sau đúng một năm, khi tôi tốt nghiệp, có thể đi làm kiếm tiền để trang trải việc học lên đại học. Khi tôi tốt nghiệp trường THNV Du lịch cũng là lúc tôi bắt tay vào kỳ thi đại học. Không uổng công bao năm đèn sách, cuối cùng tôi cũng đã đỗ vào đại học với số điểm khá cao.
Tốt nghiệp Trung cấp nghề với tấm bằng công nhân 3/7, tôi lập tức xin được vào làm phục vụ tại một nhà khách của thành phố. Tôi đã xin phép Ban lãnh đạo Nhà khách bố trí cho tôi làm việc ở một buổi nhất định để tôi có thể vừa học vừa làm. Thấy tinh thần ham học hỏi và ý trí tự lập của tôi, các bác ở đó ủng hộ nhiệt tình.
Từ đó, buổi sáng tôi đi học, buổi chiều tôi đi làm. Giờ làm việc của tôi kéo dài tới 22h đêm. Mỗi tháng tôi cũng kiếm thêm được 800 ngàn đồng, đủ để tôi đóng tiền học phí và ăn ở. Suốt 4 năm đại học, gần như bố mẹ không bao giờ phải lo lắng chuyện tiền nong cho tôi.
Giờ đây, tôi đã tốt nghiệp đại học được 5 năm, đã làm việc ở một số công ty, cũng đã có những chỗ đứng nhất định, được cấp trên và đồng nghiệp quý mến. Những vốn sống quý báu mà tôi có được khi đi làm trong những năm theo học đại học đã cho tôi rất nhiều điều bổ ích. Nhiều khi ngồi nghĩ lại, tôi tự hỏi rằng, nếu như không có sự cố trượt đại học năm ấy thì chắc gì tôi đã chững chạc được như ngày hôm nay?
Có lẽ phải cảm ơn sự cố ấy bởi nhờ nó tôi trở thành người có bản lĩnh. Tôi nghĩ không có khó khăn nào là không thể vượt qua, mỗi lần vấp ngã là một lần tạo cho mình thêm vững vàng để đối mặt với những thử thách sắp tới.
Hoàng Hà

Thể lệ cuộc thi viết 'Cú sốc đầu đời'
- Bài viết dài không quá 2.000 từ. Không hạn chế số lượng bài dự thi của một người. Độ tuổi tham dự từ 16 - 35.
- Người dự thi cam kết và hoàn toàn chịu trách nhiệm về bản quyền bài dự thi của mình.
- Bài dự thi phải là tác phẩm chưa công bố trên các báo, tạp chí. VnExpress.net Ione.net được quyền biên tập các bài dự thi.
- Người dự thi gửi kèm theo bài dự thi thông tin cá nhân, bao gồm: tên, năm sinh, số chứng minh thư, địa chỉ và số điện thoại liên hệ. Những thông tin này được Ban tổ chức bảo mật.
- Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi gửi kèm ảnh của tác giả đó kèm theo bài viết.
Chương trình do VnExpress.net, Ione.netCao đẳng thực hành FPT phối hợp tổ chức. Thời gian nhận bài từ 15/8 - 15/11.








    •  






Nguồn: http://vnexpress.net

Tags: tap chi 24h, tapchi24h, tin tuc tap chi, tin tuc 24h, tap chi online, tap chi bong da, lam dep, thoi trang, 
Previous
Next Post »