1

Ám ảnh TOEFL 550

Tạp chí giáo dục 24h  - Trên Tuổi Trẻ ngày 15-8 có một bản tin nhỏ nhưng gây xôn xao cho cả làng giáo viên dạy tiếng Anh ở TP.HCM. Bản tin này dẫn lời ông phó giám đốc Sở GD-ĐT cho biết năm học 2011-2012 sẽ khảo sát chất lượng giảng dạy
cũng như trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên tiếng Anh các cấp (trước mắt sẽ thực hiện thí điểm ở một số quận nội thành).
Đây là bước đi đầu tiên của đề án “Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp TP”. Theo đó, giáo viên dạy tiếng Anh phải đạt TOEFL 550, và giáo viên nào không đạt chuẩn sẽ phải đi học bồi dưỡng mới được đứng lớp.

Có thể nói thông tin này chẳng khác nào “sét đánh ngang tai” đối với các giáo viên dạy tiếng Anh ở các cấp từ tiểu học cho đến trung học phổ thông. Đầu tiên là lo. Lo bởi học trò bây giờ rắn mắt lắm. Không ít em sẽ cắc cớ hỏi thầy cô của mình liệu đã đạt TOEFL 550 chưa!

Nhưng khi sự bức xúc đã nguội đi, bắt đầu vào phân tích thiệt hơn mới thấy chuyện này khó làm sao. Trước hết, số lượng giáo viên dạy tiếng Anh ở ba cấp học tại TP.HCM vào khoảng tròm trèm 6.000 giáo viên. Lệ phí thi TOEFL là 150 USD/người, nghĩa là tròm trèm cả triệu USD cho việc khảo sát trình độ giáo viên. Đó là một khoản tiền không nhỏ, mà chắc chắn ngân sách phải chi chứ không thể bắt giáo viên nộp.

Nhưng chuyện tiền là chuyện nhỏ. Chuyện lớn là kết quả khảo sát. Tôi xin lấy một số liệu từ Hà Nội để tham khảo: Năm ngoái, Sở GD-ĐT Hà Nội đã kiểm tra trình độ 148 giáo viên tham gia dạy thí điểm chương trình tiếng Anh lớp 3 cho 90 trường tiểu học. Kết quả chỉ có 28 giáo viên đạt chuẩn TOEFL 550. Nghĩa là có đến 120 giáo viên không đạt chuẩn. Nếu theo quan điểm không đạt chuẩn không được đứng lớp thì Hà Nội lấy đâu ra người để bù đắp cho 120 giáo viên không đạt chuẩn nêu trên? Chính vì vậy, sau đó chuẩn đã được hạ xuống còn 400 điểm TOEFL, và được biết cũng còn trên 30 giáo viên không đạt.

Chắc chắn tỉ lệ ở TP.HCM cũng chẳng khá hơn so với Hà Nội. Chúng ta không thể không thừa nhận một sự thật đau lòng: nhiều giáo viên vào loại giỏi cũng chưa chắc đạt chuẩn TOEFL 550, đơn giản vì bao năm nay người ta chỉ quen dạy theo chương trình vốn chỉ tập trung cho hai kỹ năng đọc và viết. Trong khi đó, thi TOEFL lại đòi hỏi đến bốn kỹ năng nghe - đọc - nói - viết. Trong đó hai kỹ năng nghe - nói là điểm yếu lớn nhất trong nhà trường phổ thông, nên nó mới dẫn đến tình trạng học sinh (và cả giáo viên) của ta có thể cứng về ngữ pháp, nhưng đối diện với người nước ngoài thì ú ớ!

Còn nhớ cách đây vài năm, khi bắt tay triển khai chương trình tăng cường tiếng Anh ở TP.HCM, các chuyên viên của Sở GD-ĐT ban đầu cũng rất khắt khe khi chọn giáo viên. Tuy nhiên, càng về sau khoảng cách cung - cầu chênh lệch quá lớn nên phải hạ chuẩn liên tục mới mong đủ số lượng giáo viên đứng lớp. Vì vậy, dự báo rằng nếu làm cương quyết và cứng rắn theo tuyên bố của ông phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, ít nhất phân nửa số giáo viên sẽ không được đứng lớp, phải đào tạo lại. Trong thời gian chờ đợi đào tạo lại ấy, không lẽ tạm ngưng dạy tiếng Anh?!

Chuyện nâng cao năng lực dạy và học tiếng Anh là một việc cần làm. Nhưng làm cách nào để không gây xáo trộn là một bài toán khó, cần được giải từ khâu đào tạo ở các trường sư phạm.
Previous
Next Post »