1

Tôi làm công nhân để lấy tiền thi đại học

Hàng ngày tôi phải dậy từ 6h sáng làm đến tận 19h tối, với công việc lon ton trong xí nghiệp, khi thì phụ may, khi thì xỏ dây giầy, khi thì đóng gói hoặc tái chế sản phẩm.
Tôi từ bỏ sau 4 tháng với số tiền kiếm được 400 nghìn đồng, tôi để dành để ôn thi sau khi trừ hết tiền ăn và tiền nhà.

Hàng ngày tôi phải dậy từ 6h sáng làm đến tận 19h tối, với công việc lon ton trong xí nghiệp, khi thì phụ may, khi thì xỏ dây giầy, khi thì đóng gói hoặc tái chế sản phẩm. Tôi từ bỏ sau 4 tháng với số tiền kiếm được 400 nghìn đồng, tôi để dành để ôn thi sau khi trừ hết tiền ăn và tiền nhà.

Tôi sinh ra trong một gia đình 5 chị em, bố mẹ đều là những người làm nông nghiệp thuần gốc. Nhà đông chị em và tất cả đều đi học nên khó khăn chồng chất khó khăn. Bố mẹ tất tả kiếm miếng ăn cho chị em tôi, vì thế chúng tôi luôn biết ý thức được việc học.
Là con thứ 4 trong gia đình tôi luôn thấy mình bị mặc cảm, mặc cảm bởi vì tôi học kém hơn chúng bạn, con nhà nghèo và ngay cả tên của chính mình nữa, vì bố mẹ đặt tôi tên là Bé, khổ nỗi tôi luôn cao lớn hơn chúng bạn. Học hết cấp II nhưng tôi không thi được vào cấp 3 để học tiếp, tôi phải ở nhà, nhìn chúng bạn đi học mà thấy tủi thân, tôi luôn ước ao mình có được niềm vui nhỏ nhoi ấy.

Năm sau bố xin tôi học ở trung tâm Giáo dục thường xuyên của huyện. Tôi thực hiện được ước mơ đầu tiên là đổi sang tên là Bích và học hệ 2 năm học 3 lớp tại trường. Tôi hiểu rằng đây chính là cơ hội để thay đổi nên luôn cố gắng học tập, tôi muốn mình sẽ đỗ đại học như bao người khác. Kết thúc hai năm miệt mài học tập và hy vọng, biết đâu đấy tôi sẽ làm được điều mình mơ ước.
Ảnh
4 tháng tôi làm công nhân để dành tiền thi đại học. Ảnh: Báo Hải Phòng.
Năm đó kết quả thi của tôi cả 2 trường đều thất bại với số điểm ở mức trung bình, tôi khóc và thấy thất vọng với chính mình, tôi thất bại, lại thêm một lần thua cho một người luôn thua. Tôi vẫn còn nhớ như in câu nói của chị hàng xóm "người ta học trường chuyên lớp chọn vẫn không thi được đại học, huống hồ là học bổ túc".
Tạm xa niềm vui của chúng bạn, tôi đi làm, Hải Phòng năm 1999-2000 là thiên đường của lao động nữ học xong THPT, tôi theo đoàn quân ấy để làm giầy da. Lần đầu tiên tôi phải làm ca đêm, việc thức cả đêm với một đứa 17 tuổi, đang tuổi ăn tuổi ngủ như tôi quả là một cực hình.

Cũng lần đầu tiên tôi nhận thấy kiếm được đồng tiền người ta phải khó khăn như thế nào, và tôi dặn mình phải cố gắng. Rất may sang tuần sau đó tôi chuyển sang làm ngày, đỡ vất vả hơn. Hàng ngày tôi phải dậy từ 6h sáng làm đến tận 19h tối, với công việc lon ton trong xí nghiệp, khi thì phụ may, khi thì xỏ dây giầy, khi thì đóng gói hoặc tái chế sản phẩm.

Nhờ sự nhanh nhẹn của mình, tôi chuyển sang làm bộ phận phòng giầy mẫu, nghĩa là làm các sản phẩm mới từ các nhà thiết kế, sau đó chuyển sang các dây truyền sản xuất hàng loạt. Công việc này nhàn hơn và tôi được ngồi phòng máy lạnh, điều mà nhiều công nhân xí nghiệp đang mơ ước. Tôi từ bỏ sau 4 tháng với số tiền kiếm được 400 nghìn đồng, tôi để dành để ôn thi sau khi trừ hết tiền ăn và tiền nhà.

Tôi quay trở về để thực hiện ước mơ, quyết tâm thi tiếp. Tôi lao vào học bằng tất cả nghị lực và quyết tâm của một người biết thế nào là những vất vả của việc lao động, kiếm tiền. Rất may bố mẹ tôi luôn ủng hộ quyết định ấy. 7 tháng trôi qua, kỳ thi đại học đã đến hai chị em tôi khăn gói lên đường.

Đề thi không quá khó và dù còn đôi chút sai sót nhỏ nhưng tôi hài lòng với 3 lần thi đó, đợt 1, đợt 2 và kỳ thi vào cao đẳng sư phạm. Tôi chẳng dám mong điều gì to tát, chỉ hy vọng biết đâu mình sẽ đỗ một trong ba trường ấy.
Khi đang gánh mạ sang sông, cấy nốt đầm trũng mà nước vừa rút thì cô hàng xóm gọi báo tin tôi đỗ đại học, vội vã cấy hết gánh mạ rồi về, khi tới nhà đã thấy trong nhà có khá đông người. Tôi thấy lâng lâng vui sướng và bảo con biết lâu rồi. Hôm ấy bố đã chiêu đãi tôi món thịt ba chỉ rang với hành, lâu quá rồi tôi mới được ăn món thịt ngon đến thế và chuẩn bị tinh thần đi học.

Sau đó, tôi lên phòng giáo dục huyện lấy giấy báo điểm để hoàn thiện hồ sơ nhập học. Phòng giáo dục huyện có rất đông các thí sinh, người vui kẻ buồn, nhưng có lẽ tôi là người vui nhất vì có giấy trúng tuyển của một trường. Nhờ mấy đứa chen chân lấy giúp còn tôi bận tám chuyện cùng đám bạn.

Cầm 3 tờ giấy báo điểm, lần lượt xem từng tờ, tôi không còn tin vào mắt mình nữa khi ĐH Sư phạm Hà Nội I ghi trên giấy báo “Đã trúng tuyển”. Hét lên sung sướng, tôi bay từ trên bậc cửa cao 2 m nhảy xuống đất và phóng như bay về nhà thầy giáo cũ. Cầm tờ giấy trúng tuyển đại học gấp nhỏ lại, nắm chặt trong tay mà thấy mình như đang mơ và tôi sợ giấc mơ ấy sẽ tan biến.
Hơn 10 năm trôi qua, giờ tôi đã tốt nghiệp thạc sĩ và quay trở lại Hà Nội làm việc. Dù rằng công việc và cuộc sống vẫn còn những khó khăn nhưng tôi hiểu rằng chỉ cần mình có ước mơ, phấn đấu để thực hiện nó thì tôi tin sẽ làm được. Chợt nhớ câu nói của nhà văn Lỗ Tấn “Ước mơ không phải là cái gì sẵn có, cũng không phải là cái gì không thể có, ước mơ giống như một con đường chưa có nhưng con người sẽ khám phá và vượt qua”.
Nguyễn Bích
Từ ngày 15/5 đến 15/8, các bạn trong độ tuổi 15-30 có thể tham gia cuộc thi viết "Ước mơ của tôi" do VnExpress.net, iOne.net và Trung tâm đào tạo mỹ thuật đa phương tiện FPT-Arena phối hợp tổ chức. Trong bài thi, bạn có thể kể về những ước mơ lớn lao như trở thành người nổi tiếng hoặc bình dị như đỗ đại học, có được nghề nghiệp đúng sở thích, được khám phá danh lam thắng cảnh... Bạn cũng có thể viết về hành trình để biến ước mơ thành hiện thực, quyết tâm thay đổi cuộc sống chính mình. Bài viết dài không quá 2.000 từ. Một người có thể gửi nhiều bài dự thi.








    •  






Nguồn: http://vnexpress.net
Previous
Next Post »